Hỗ trợ 24/7
0338479879

Hỗ trợ trực tuyến

Dịch vụ taxi gặp khó trong mùa dịch Covid-19

Ngày đăng: 08-06-2021 08:46:10

Vận tải là một trong những ngành bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Trong đó, những cá nhân, doanh nghiệp làm dịch vụ taxi cũng không là ngoại lệ.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 70 doanh nghiệp hoạt động trong mảng taxi, thu hút 19.260 xe, chưa kể lượng xe taxi ở các địa bàn giáp ranh vẫn đang hoạt động cả trên địa bàn Thủ đô.

Lượng khách sụt giảm

Lượng xe lớn nhưng theo đánh giá của Hiệp hội, chỉ trong tháng 2/2020, vận tải hành khách bằng xe taxi giảm 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái (ước chỉ đạt 3,6 – 4,58 triệu hành khách). Việc lượng khách giảm khiến các lái xe cũng như các doanh nghiệp kinh doanh taxi gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Công – người đã có 10 năm lái xe taxi tại Hà Nôi, cho biết: “Trước Tết, Nhà nước ban hành Nghị định 100 phạt nặng người lái xe có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông, nên cánh taxi chúng tôi làm ăn khấm khá bởi các “tay nhậu” chọn taxi để đi về cho chắc ăn. Nhưng Covid-19 diễn biến phức tạp khiến số lượng khách hàng giảm đi nhiều. Có hôm tôi đợi đến đêm mới có một chuyến mà chưa kiếm nổi 200 nghìn đồng”.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn, người dân hạn chế ra đường, cùng với đó là sử dụng xe cá nhân nhiều khiến nhu cầu đi taxi giảm, nhiều tài xế rơi vào tình trạng “ế khách”.

“Trước đây, nếu chịu khó chạy thì mỗi ngày tôi làm được gần 1 triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 15-17 triệu đồng. Đợt vừa rồi tưởng chừng sắp công bố hết dịch nên lượng khách quay lại đi taxi cũng tăng đôi chút. Nhưng từ hôm Hà Nội công bố có ca nhiễm Covid-19 là coi như không có khách hẳn”-anh Công tâm sự.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh taxi bị tác động mạnh. Không ít doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 50% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Hùng, lượng khách vẫn đang tiếp tục giảm, mỗi tuần giảm khoảng 15-18% và nếu dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn trong thời gian dài, chắc chắn lượng khách sẽ còn giảm sâu hơn rất nhiều.

Khó khăn chồng chất

Lượng khách giảm nhưng các doanh nghiệp taxi vẫn phải gồng mình chi trả các khoản chi phí. Ngoài chi phí cố định, không ít doanh nghiệp phải thực hiện trả lãi vay ngân hàng và chi phí cho khoản phòng chống dịch nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Còn đối với người làm nghề lái xe taxi cũng đang chịu áp lực không nhỏ. Hàng tháng, mỗi lái xe phải trả một khoản (tiền đàm, phí dịch vụ quản lý) cho doanh nghiệp, tùy từng doanh nghiệp từ mức 1,3-2,5 triệu đồng. Thông qua bộ đàm tổng đài, doanh nghiệp sẽ giới thiệu khách đi xe, nhưng nay vì dịch bệnh nên cả khách đứng bắt xe giữa đường hay khách gọi qua tổng đài cũng giảm.

Đặc biệt, đối với những người vay tiền mua xe chạy taxi thì ngoài tiền dịch vụ nộp cho doanh nghiệp, hàng tháng còn phải trả tiền mua xe theo hình thức trả góp.

Đi làm thì không có khách, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng nếu ở nhà thì sốt ruột vì không có tiền đóng tiền công ty hàng tháng. Khó khăn chồng chất, không ít người đã chuyển đổi nghề, có người phải rao bán xe vì không kham nổi.

Anh Tiến (Nam Từ Liêm-Hà Nội) cho biết năm ngoái, anh bỏ công việc đầu bếp ở nhà hàng với thu nhập 12 triệu đồng/tháng để mua xe làm taxi, không nghĩ là giờ lại khó khăn như thế này.

Với số tiền 200 triệu tích cóp được, anh Tiến đi mua xe của công ty theo hình thức trả góp với khoản nợ 180 triệu. “Mỗi tháng, tiền đàm 1,9 triệu đồng, tiền trả góp 8 triệu đồng, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn… Ít nhất mỗi tháng phải nộp cho công ty 11 triệu đồng. Nhưng hiện không có khách, mỗi ngày làm 11-12 tiếng thu về được 200-400.000 đồng, trừ chi phí xăng xe, rửa xe thì còn lỗ to”, anh Tiến nói.

Hiện nay, với mong muốn giữ chân lái xe, một số doanh nghiệp đã giảm một phần tiền đàm nhưng chẳng thấm vào đâu vì nghề taxi muốn thu được tiền thì phải có khách hàng. Chính vì vậy, để hoạt động này trở lại bình thường thì điều quan trọng nhất vẫn là dịch bệnh phải suy giảm và được khống chế. Có như vậy mới bảo đảm an toàn về mặt sức khỏe cho cả khách hàng và lái xe.

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - taxilonganlientinhgiare.com. All Rights Reserved
Email
Number phone
Zalo
Facebook
zalo